Video hướng dẫn Đăng nhập

Trên đất Hải Dương, nơi có những kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Đại Vương, chưa có những tượng đài hoành tráng, xứng đáng vớ tầm vóc danh nhân cũng như yêu cầu giáo dục, phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của thời đại. Vì vậy chủ trương xây dựng tượng đài hoành tráng về Hưng Đạo Đại Vương đã có từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng những năm trước đây do điều kiện kinh phí chưa cho phép và vị trí chưa được xác định. Kiếp Bạc là mảnh đất thiêng, nơi Đại Vương sống từ sau kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất (1258) cho tới tận cuối đời, nơi Đại Vương làm nên sự nghiệp lớn. Nhưng tại đây đã có đền Kiếp Bạc và tượng đồng thờ Người tù nhiều thế kỷ, đã đi vào tâm linh của nhiều thế hệ, hà tất phải có pho tượng thứ hai ngoài trời.

            Đầu những năm 90, ý tưởng xây dựng tượng đài Hưng Đạo Đại Vương trên núi An Phụ hình thành. Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu; được các nhà sử học và điêu khắc góp ý, Bộ Văn hóa - Thông tin nhất trí, UBND tỉnh đã ra quyết định xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo tại khu di tích lịch sử - văn hóa An Phụ, thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, nơi có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ của Người.

            Vị trí đặt tượng được xác định tạo một đỉnh núi có độ cao gần 200m, thấp hơn đền An Sinh Vương chừng 50m, cách đền về phía trước 300m. Ở vị trí này, tượng đài đạt được nhiều ưu thế:

-          Một đỉnh núi tương đối độc lập, sát với đồng bằng châu thổ, tạo nên thế hùng vĩ cho tượng đài, khách hành hương trên các tuyến đường 5,18,186,189 và trên các tuyến sông Thái, sông Kinh Thầy có thể chiêm ngưỡng thuận lợi.

-          Địa chất nơi đặt tượng tương đối ổn định và vững chắc.

-          Vị trí đặt tượng Đại Vương thấp hơn đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu và tiến về phía trước, phù hợp với luân thường đạo lý dân tộc: Cha đứng trên, con đừng dưới và tiến lên phía trước, vị trí còn tạo nên sự ấm cúng, thiêng liêng thể hiện sự trung hiếu của một gia đình truyền thống Việt Nam.

-          Nhìn từ phía Đông, tượng ddauic ó bối cảnh là đỉnh núi An Phụ với đền, chùa cổ kính cùng với cảnh quan kỳ thú hiếm có sẽ tôn vẻ uy nghi, vững chắc, tạo nên một bức tranh hoành tráng với nhiều màu sắc và hình khối sinh động.

-          Tượng đài đặt tại khu di tích nổi tiếng về danh làm cổ tích, trên tuyến đường hành hương lên đền, chùa An Phụ, nơi có lễ hội truyền thống hàng năm kéo dài suốt mùa xuân. Đồng thời đây lại nằm trong quần thể di tích: An Phụ - Kính Chủ - Huề Trì, rất gần với đường 5, sẽ tạo thành khu di tích lớn thứ hai của tỉnh sau Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng.

Ngày 20-8 năm Quý Dậu, tức 5 - 10 - 1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp , đại diện Đảng và Nhà nước đặt phiến đá đầu tiên tại nới xây dựng tượng đài Đại Vương đã khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta quyết định xây dựng tượng đài của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn tại đây, trên núi An Phụ, gần nơi an nghỉ của An Sinh Vương Trần Liễu, một địa điểm không xã Vạn Kiếp và sông Bạch Đằng - một vị trí tuyệt vời”.

Để việc xây dựng tượng đài đạt hiệu quả, ngày 26-4-1994, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo, gồm những cán bộ lãnh đạo và những nhà khoa học, điêu khắc có uy tín của tỉnh và Trung ương. Hội đồng có trách nhiệm chọn phác thảo, phương án thiết kế, chất liệu, kiến trúc, nghiệm thu, giám định chất lượng công trình. Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành tiêu chí thi mẫu, chọn mẫu và giải thưởng cho các mẫu đã đạt được điểm cao.

Sau 6 tháng phát động, ngày 4-5-1994, Hội đồng nghệ thuật đã nhận được 24 mẫu phác thảo của 24 tác giả của tỉnh và cơ quan Trung ương gửi tới dự thi. Kết quả mẫu của nhà điêu khắc Hà Trí Dũng được chọn làm mẫu thi công. Qua nhiều lần đóng góp ý kiến của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Hội đồng nghệ thuật, chúng ta có mẫu tượng được thi công như hôm nay. Cùng với mẫu tượng, một phù điêu hoành tráng được nhóm tác giả của Công ty Mỹ thuật và nội ngoại thất đã được Hội đồng Mỹ thuật nghiệm thu và nhất trí cao cho thi công.

Tượng và phù điêu do Công ty Mỹ thuật và nội ngoại thất thực hiện. Qua 2 năm chuẩn bị và 3 năm thi công, trải biết mấy khó khăn, trở ngại, về mỹ thuật và kỹ thuật và kỷ luật. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và các ngành hữu quan, sự nhiệt tình của các thành viên trong Hội đồng và Ban xây dựng cùng các đơn vị thi công, công trình đã hoàn thành đúng như ý tưởng ban đầu và những tiêu chí của UBND tỉnh quy định. Đây là tượng đài hoành tráng và đẹp nhất trong số 5 tượng đài đã xây dựng ở phía Bắc đất nước.

 Tượng đài tạc bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hóa, cao 9,7m, gồm 65 viên, chia thành 8 thớt, gia cố bằng lõi bê tông, cốt thép. Tượng đặt trên bệ cao 3m, như vậy cả tượng và bệ cao 12,7m.

Tượng Đại Vương được tạc ở độ tuổi 55-60 sau khi hoàn thành 3 cuộc kháng chiến thắng lợi, sống trong khung cảnh đất nước thanh bình.

Tượng đặt đúng nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên ngày 20-8 năm Quý Dậu.

Tượng ở thế đứng, tay trái tì đốc kiếm, biểu hiện sự cảnh giác trước họa xâm lăng. Tay phải cầm cuốn thư, thể hiện tầm nhìn chiến lược, văn võ song toàn. Chân dung quắc thước, nhưng nhân hậu, thể hiện tinh thần tự tin, chí nhân, chí trung, chí hiếu. Hướng nhìn về phía Đông, ở tầm cao lồng lộng, như nhắc nhở các thế hệ phải cảnh giác và tự tin, giữ lấy biển trời cùng giang sơn gấm vóc Việt Nam.

Phù điêu được làm bằng đất nung, dài 45m, cao trung bình 2,5m, gồm 526 viên do các nghệ nhân làng Cậy đúc và nung đốt, đây là phù điêu đất nung lớn nhất đất nước hiện nay.

 Nếu tượng là công trình nghệ thuật về một danh nhân tiêu biểu của dân tộc ở thế kỷ 13, thì phù điêu là bức tranh truyện khổng lồ, kể về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện chống Nguyên Mông từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Phù điêu còn là bức tường thành vững chắc, chắn mọi luồng gió lạnh từ phương bắc, tạo không gian thiêng liêng cho nhân dân và khách tham quan mỗi khi đến đây thăm viếng.

Sân và lan can được lát và xây bàng gạch phỏng chế theo mẫu thời Trần và đá phiến do thợ Kính Chủ chế tác.

Cùng với tượng đài, đền An Sinh Vương và chùa Tường Vân được trùng tu hoàn chỉnh. Rừng cây trên núi được ngành lâm nghiệp và nhân dân địa phương trồng và chăm sóc đang phát triển tốt, nâng cấp một bước đáng kể cho khu di tích. Ngày 18-8 Mậu Dần (8-10-1998) công trình được khánh thành trọng thể đúng vào dịp kỷ niệm 698 năm ngày mất của Đại Vương. Đây là một công trình văn hóa lớn cuối thế kỷ 20 của đất nước, biểu hiện một sự cố gắng rất cao về phương diện văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương. Công trình như một biểu trưng hoành tráng, báo hiệu cho một thời kỳ phục hưng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo Hải Dương di tích và danh thắng.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Ngày 18/4/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 2549/BGD ĐT-HTQT giới thiệu Trung tâm giáo dục về Khoa học tự nhiên và Toán học- Panasonic Risupia Việt Nam, địa chỉ: Tầng 2, tòa nhà Su ... Cập nhật lúc : 16 giờ 21 phút - Ngày 15 tháng 6 năm 2013
Xem chi tiết

Sáng ngày mùng bảy Tết Quý Tỵ (16/02/2013), tại Văn Miếu Mao Điền, Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức & ... Cập nhật lúc : 9 giờ 56 phút - Ngày 23 tháng 2 năm 2013
Xem chi tiết

Năm nay, Đảng ta tròn 83 tuổi, chừng ấy mùa xuân đã qua đi trải qua bao thăng trầm, lớp lớp đảng viên đã ng ... Cập nhật lúc : 15 giờ 42 phút - Ngày 22 tháng 2 năm 2013
Xem chi tiết

Chỉ đứng sau Văn miếu Quốc Tử Giám, với hơn 500 năm tồn tại và thờ hơn 600 vị tiến sĩ, văn miếu Mao Điền đã trở thành n ... Cập nhật lúc : 15 giờ 40 phút - Ngày 22 tháng 2 năm 2013
Xem chi tiết

Do công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương với đất nước và dân tộc, vì vậy ngay những năm cuối đời, Đại Vương qua đời, Kiế ... Cập nhật lúc : 15 giờ 35 phút - Ngày 22 tháng 2 năm 2013
Xem chi tiết

Trân trọng giới thiệu toàn văn Thư chúc Tết Quý Tỵ 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

... Cập nhật lúc : 15 giờ 30 phút - Ngày 22 tháng 2 năm 2013
Xem chi tiết

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận gửi thư chúc mừng các nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Báo Giáo dụ ... Cập nhật lúc : 15 giờ 24 phút - Ngày 22 tháng 2 năm 2013
Xem chi tiết